Archives 2020

Xuân Tân Sửu 2021

MaruLinks xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới các Quý khách, các Quý đối tác đã luôn đồng hành với chúng tôi và vượt qua các khó khăn do COVID-19 trong năm 2020 vừa qua.

Hướng tới Năm mới 2021, MaruLinks xin chúc Quý vị một năm mới đầy triển vọng đem đến thật nhiều các cơ hội hợp tác mới!

Trân trọng!

☆☆☆ Lịch nghỉ Tết ☆☆☆

  • Tết dương lịch 2021: nghỉ từ 31/12/2020~3/1/2021
  • Tết Tân Sửu 2021: nghỉ từ 8/2/2021~16/2/2021

KCG.EDU: Thông báo tuyển sinh cho kỳ nhập học 04/2021

Học viện Máy tính Kyoto (Kyoto Computer Gakuin – KCG): chương trình đào tạo kỹ sư IT

+ Các ngành tuyển sinh: bao gồm tất cả các ngành hiện có tại KCG gồm Nghệ thuật và thiết kế, Kinh doanh và quản lý, Khoa học máy tính, Digital game và giải trí số, Kỹ thuật.

+ Thời gian nhận đăng ký và sơ tuyển: từ 1/9/2020 đến 4/12/2020

Trường Sau đại học Công nghệ thông tin Kyoto (KCGI): chương trình đào tạo thạc sĩ IT

+ Thời gian nhận đăng ký và sơ tuyển: từ 3/8/2020 đến 4/12/2020

Các ứng viên có nguyện vọng tìm hiểu thông tin và đăng ký có thể xem chi tiết tại đây.

KCGI: Ký thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQGHN

Vào ngày 12/6/2020, bản thỏa thuận hợp tác giữa KCGI – KCG với trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQGHN (VNU-USSH) đã được ký kết hoàn thành. Theo đó, USSH trở thành đại học đối tác thứ năm của KCGI tại Việt Nam.

Thỏa thuận giữa hai bên sẽ mở ra cơ hội cho các bạn sinh viên tốt nghiệp trường USSH có thể đăng ký ứng tuyển vào học chương trình thạc sỹ CNTT tại KCGI với mức học bổng đặc biệt giảm tới 50% học phí mỗi năm. Chương trình thạc sỹ CNTT của KCGI được xây dựng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn và đồng thời hiểu và vận dụng tốt cả CNTT trong công việc.

Các bạn sinh viên trường USSH quan tâm đến chương trình thạc sỹ có thể tìm hiểu thêm thông tin tại đây.

Nguồn: https://www.kcg.edu/news/2020/06-19

Sử dụng Wifi tại sân bay Kansai (KIX)

Đối với nhiều du học sinh và khách du lịch khi lần đầu đến Nhật Bản, việc đầu tiên sau khi xuống máy bay thường sẽ muốn liên lạc về gia đình hoặc tìm kiếm thông tin di chuyển tiếp theo. Tại sân bay Kansai (KIX) các bạn có thể sử dụng dịch vụ Wifi miễn phí ở hầu hết các khu vực, tại gần điểm phát Wifi có ký hiệu như dưới

  • Sử dụng được tại: Terminal 1 (trừ một vài khu vực), Terminal 2, toàn bộ Aeon Plaza.
  • Tên wifi (SSID): FreeWifi@KIX
  • Hoàn toàn miễn phí.

Để truy cập sử dụng wifi, các bạn thực hiện theo các bước hướng dẫn sau

Bước 1: vào Cài đặt

Bước 2: mở quản lý Wifi

Bước 3: từ danh sách tìm chọn wifi FreeWifi@KIX

Sau khi chọn đúng Wifi sẽ tự động hiển thị ra màn hình thao tác như dưới, thực hiện tiếp

Bước 4: ấn nút 同意する màu xanh ở dưới cùng màn hình để chấp nhận các quy định sử dụng chung

Bước 5: khi xuất hiện biểu tượng kết nối wifi, ấn 完了 ở phía trên bên phải để hoàn tất khai báo truy cập

Nếu bạn sử dụng hệ điều hành Android hoặc các loại máy tính, máy tính bảng khác thì việc truy cập wifi cũng làm tương tự các bước trên.

Marulinks.

Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật JLPT 07/2020 thông báo bị hủy bỏ

Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật lâu đời và có uy tín nhất hiện nay, gọi tắt là JLPT dự kiến được tổ chức vào ngày 05/07/2020 đã chính thức bị hủy bỏ do lo ngại về tình hình dịch bệch.

Đây là kỳ thi tiếng Nhật phổ biến được tổ chức tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, theo đó giúp phân loại trình độ tiếng Nhật từ thấp nhất N5 đến cao nhất là N1. Tại Việt Nam, kỳ thi Năng lực tiếng Nhật cũng được được tổ chức qua nhiều năm, và được đánh giá là một trong các bài đánh giá năng lực tiếng Nhật quan trọng đối với nhiều bạn học sinh, sinh viên có dự định du học Nhật. Với quy mô mỗi năm có trên 1 triệu người dự thi trên toàn thế giới, việc phải hủy bỏ kỳ thi vào tháng 7 này có thể ảnh hưởng đến nhiều hoạt động và lịch tuyển sinh của các trường tại Nhật Bản. Việc tổ chức kỳ thi vào tháng 12/2020 dự kiến sẽ được thông báo vào tháng 9 tới đây.

Theo hướng dẫn của ban tổ chức, người đã đăng ký dự thi vào tháng 7/2020 có thể liên hệ tới đại diện tổ chức kỳ thi tại mỗi nước để nhận được sự hướng dẫn về thủ tục cần thiết.

Marulinks.

Golden Week tại Nhật Bản

Golden Week (tuần lễ vàng) là tên gọi mà nhiều người Nhật Bản nói đến kỳ nghỉ lễ kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 hàng năm. Khác với Việt Nam có đợt nghỉ Tết nguyên đán kéo dài khoảng 1 tuần, dù Nhật Bản có số ngày nghỉ lễ trong năm khá nhiều nhưng thường ngắn, do đó Golden Week được coi là đợt nghỉ dài ngày hiếm hoi trong một năm của Nhật Bản.

Vào tháng 7 năm 1948, chính phủ Nhật khi đó đã ban bố đạo luật quy định các ngày lễ quốc gia với 9 ngày nghỉ lễ chính thức trong năm. Cũng vào năm đó, do có nhiều ngày nghỉ liên tiếp vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 đã giúp cho nhiều ngành công nghiệp giải trí, điện ảnh đạt được doanh thu kỷ lục trong năm. Giám đốc điều hành hãng phim Daiei khi đó đã gọi khoảng thời gian này là “Tuần lễ vàng”, dựa theo cách gọi của khung “giờ vàng” phát sóng có tỷ lệ người xem cao nhất mỗi ngày trên truyền hình. Trong đợt nghỉ Golden Week này có đến 4 ngày nghỉ lễ gồm Ngày lễ Showa 29/4, Ngày kỷ niệm Hiến pháp Nhật 3/5, Ngày màu xanh 4/5 và Ngày trẻ em 5/5.

Vào thời gian này, hầu hết các công ty và tất cả trường học tại Nhật Bản đều được nghỉ. Để thuận tiện cho các chuyến đi nghỉ dài ngày, nhiều công ty cũng cho phép nhân viên được sử dụng ngày nghỉ phép để kéo dài thêm số ngày nghỉ lễ. Rất nhiều người Nhật tận dụng khoảng thời gian này để đi mua sắm, thăm thân, du lịch nước ngoài; và cũng nhiều bạn du học sinh Việt Nam dành thời gian này để đi khám phá các khu du lịch nổi tiếng ở Nhật như Kyoto, Nara, Hokkaido…

Số ngày nghỉ lễ cơ bản trong Golden Week thay đổi theo từng năm. Năm 2019, do Golden Week trùng với sự kiện chuyển giao Thiên hoàng nên số ngày nghỉ tăng lên đến 10 ngày. Năm 2020 này số ngày nghỉ dài là 5 ngày từ 2/5 đến 6/5, nhưng do khuyến cáo hạn chế người dân ra ngoài để đối phó với dịch Covid-19 của chính phủ Nhật, Golden Week 2020 được dự báo là tuần lễ vàng ảm đạm nhất kể từ khi hình thành cho đến nay.

MaruLinks.

KCGI: Ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Huế (HU)

Vào ngày 20/04/2020, Tập đoàn KCG và Trường Sau đại học CNTT Kyoto (KCGI) đã hoàn thành bản thỏa thuận hợp tác với Đại học Huế (HU).

Mục đích của thỏa thuận hợp tác này nhằm thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa KCG và KCGI với HU về nghiên cứu và giáo dục với nước ngoài, trong đó có trao đổi giảng viên, tuyển sinh và trao đổi nghiên cứu giữa hai bên.

Cũng giống như các đối tác liên kết của KCGI trên toàn thế giới, các bạn sinh viên của HU sẽ được nhận ưu đãi học phí khi đăng ký học chương trình đào tạo thạc sỹ tại KCGI. Để biết thêm chi tiết về chương trình đào tạo này, các bạn có thể xem tại đây.

KCGI: Ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Đà Nẵng (UD)

Vào ngày 06/04/2020, thỏa thuận hợp tác giữa Trường sau đại học CNTT Kyoto (KCGI) và Đại học Đà Nẵng đã chính thức hoàn thành ký kết, cùng với kỳ vọng mở ra giai đoạn cùng hợp tác phát triển sâu rộng giữa hai trường.

Đại học Đà Nẵng (UD) là một trong các trường đại học lớn tại Việt Nam, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước. Với nhu cầu nhân lực về IT rất lớn hiện nay, hiệp định hợp tác giữa KCGI và UD sẽ góp phần tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có cơ hội tiếp tục học tập nâng cao tại KCGI hướng tới học vị thạc sỹ về IT ứng dụng sau khi hoàn thành chương trình thạc sỹ tại KCGI. Đặc biệt, các bạn sinh viên từ Đại học Đà Nẵng sẽ nhận được ưu đãi về học phí cũng như nhiều hỗ trợ sinh hoạt cơ bản trong suốt quá trình theo học tại KCGI.

Cách đi từ Kansai Airport (Osaka) đến Kyoto

Kansai International Airport (KIX) là sân bay quốc tế được xây dựng trong 7 năm trên một hòn đảo nhân tạo nằm ở vịnh Osaka, ngoài khơi hòn đảo Honshu, Nhật Bản. Sân bay Kansai (người Nhật thường gọi với tên Kanku) bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1994, với mục đích giải quyết tình trạng quá tải của một sân bay khác tại Osaka. Hiện tại đang có 2 hãng hàng không của Việt Nam đang khai thác đường bay này là VietJet Air và Vietnam Airlines, với các chuyến bay thẳng hàng ngày từ Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Để đi từ sân bay Kansai tới cố đô Kyoto có nhiều cách di chuyển, nhưng phổ biến và thuận lợi hơn cả là sử dụng xe Bus cao tốc hoặc tàu điện.

1. Di chuyển bằng bus cao tốc

Đây là cách di chuyển đơn giản nhất, cho phép di chuyển thẳng đến cửa ga Kyoto, từ đó có thể thuận tiện đi tới các địa điểm mong muốn ở Kyoto. Tùy thuộc vào chuyến bay của bạn hạ cánh tại Terminal 1 hoặc 2 sẽ có cách đi cụ thể như dưới:

Terminal 1: ngay sau khi ra khỏi sảnh hạ cánh, hãy tìm trạm bus cao tốc số 8. Tại đó, bạn cần mua vé xe từ máy bán tự động hoặc hỏi mua trực tiếp tại quầy vé, với hướng đi “Kosoku Kyotanabe, Hachijo Kyoto Station”. Thời gian di chuyển khoảng 1h30p.

Terminal 2: sau khi đi ra khỏi sảnh tòa nhà, hãy tìm trạm bus cao tốc số 2. Tại đó, mua vé theo hướng đi “Kosoku Kyotanabe, Hachijo Kyoto Station”. Thời gian di chuyển khoảng 1h45p.

Giá vé xe bus 1 chiều : người lớn khoảng 2600 yên, trẻ nhỏ khoảng 1300 yên.

Giá vé xe bus 2 chiều: giá vé 2 chiều là khoảng 4260 yên, vé trẻ nhỏ không có (lưu ý vé 2 chiều hạn sử dụng tối đa là 2 tuần kể từ ngày mua)

*Giá vé cập nhật ngày 9/3/2020. Kyoto Station là điểm cuối nên bạn hoàn toàn yên tâm không sợ xuống xe nhầm.

2. Di chuyển bằng tàu điện

Sau khi nhận hành lý và ra khỏi cửa, hãy tìm và đi theo biển chỉ dẫn tới ga tàu Kansai-airport như hình bên.

Tại cửa bán vé, hỏi mua vé cho chuyến tàu nhanh Haruka chạy thẳng đến ga Kyoto, với mức giá khoảng 3430 yên (cập nhật 9/3/2020). Có thể mua vé tại máy bán vé tự động.

Ngoài ra, nếu muốn thêm trải nghiệm với điều kiện hành lý cho phép, bạn cũng có thể di chuyển bằng tàu thường, với mỗi tuyến có cách đi (đổi tàu giữa chừng) và giá vé rẻ hơn so với tàu nhanh. Để có cách đi cụ thể, bạn cần hỏi trực tiếp nhân viên nhà ga để được hướng dẫn.

Ga Kyoto là nhà ga trung tâm lớn nhất của Kyoto, từ đó có các chuyến tàu Shinkansen chạy xuyên suốt toàn nước Nhật. Cũng từ ga Kyoto, bạn có thể di chuyển tới nhiều địa danh nổi tiếng của Kyoto. Trường sau đại học CNTT KCGI hiện cũng có cơ sở ngay cạnh ga Kyoto (xem bản đồ bên).

Từ ga Kyoto, bạn có thể đi tới các địa danh nổi tiếng bằng xe bus thành phố rất thuận lợi. Dưới đây là một số gợi ý cách đi cho các bạn đam mê du lịch.

★ Chùa Kinkakuji: Kyoto Ekimae → (bus 205, 21 trạm) → Kinkakujimichi → đi bộ 190m.

★ Chùa Kiyomizu: Kyoto Ekimae → (bus 206, 7 trạm) → Gojozaka → đi bộ 950m.

★ Đền Heian Jingu: Kyoto Ekimae → (bus 206, 14 trạm) → Higashiyama Nijo Okazaki Koenguchi → đi bộ 500m.

★ Chùa Kodai: Kyoto Ekimae → (bus 206, 8 trạm) → Kiyomizumichi → đi bộ 550m.

★ Đền Kamigamo Jinja: Kyoto Ekimae → (bus 9, 27 trạm) → Kamigamo Misonobashi → đi bộ 220m.

MaruLinks.

Lễ hội truyền thống Nhật Bản – Hina Matsuri (ひな祭り)

Lễ hội búp bê Nhật Bản (Hina Matsuri) là một nét văn hóa đặc trưng rất dễ thương của người dân Nhật Bản dành riêng cho các bé gái, được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 hàng năm. Lễ hội bắt nguồn từ truyền thống chơi búp bê của các bé gái có từ thời kỳ Heian (794-1185). Người Nhật xưa tin rằng búp bê có thể xua đuổi các linh hồn xấu tránh xa những bé gái và lễ hội là ngày để cầu phúc, sự may mắn, sức khỏe cho bé gái trong gia đình.

Lễ hội búp bê Nhật bản còn có tên gọi khác là Lễ hội hoa Đào (Momo no Sekku) vì vào đầu tháng 3 cũng là thời điểm hoa đào ở Nhật nở rộ nhất.

Búp bê Hina là những vật trang trọng, được truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ, được trưng bày trong căn phòng đẹp nhất của gia đình một vài ngày trong kỳ lễ hội và sau đó được cất giữ cẩn thận trong hộp cho đến kỳ lễ hội của năm sau.

Kệ trưng bày búp bê Hina (Hinadan) đầy đủ sẽ có 7 tầng và 15 búp bê, mỗi tầng được thiết kế trang trọng và bày trí đẹp mắt. Loại kệ nhỏ hơn có thể là 5 tầng, 3 tầng, hoặc tối giản chỉ cần tầng cơ bản nhất ở trên cùng, tùy theo điều kiện mỗi gia đình.

Trong những gia đình khá giả, cha mẹ thường mua tặng cho con gái mới sinh của họ một bộ búp bê đầy đủ để chuẩn bị cho ngày Hina Matsuri.

Vào ngày lễ, cha mẹ sẽ tổ chức buổi tiệc dành riêng cho các bé gái nhà mình. Các bé có thể mời bạn bè đến nhà cùng thưởng thức những món ăn và bánh kẹo đặc trưng của lễ hội này như: bánh gạo “hishi-mochi”, xôi đỗ đỏ “sekihan”, uống rượu ngọt “shiro-sake” làm từ gạo lên men, các loại kẹo màu, các loại thạch,… –  một buổi tiệc ngọt ngào và đầy màu sắc .

Lễ hội truyền thống này vẫn được người dân Nhật Bản duy trì và trân trọng cho đến ngày nay. Búp bê Hina luôn được các bé gái yêu thích và các cô dâu có thể mang theo về nhà chồng như một bảo vật hộ mệnh của mình. Có thể nói đây là một nét văn hóa đặc trưng của riêng đất nước mặt trời mọc.

MaruLinks.